Page Nav

Hot

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Top Ad

//

Breaking News:

latest
Hot

Truyện tranh - đường hẹp nhiều lối rẽ

TT - Vừa trở về từ Asian Youth Animation & Comics Contest Festival (AYACC, tạm dịch: Liên hoan truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á) -...


TT - Vừa trở về từ Asian Youth Animation & Comics Contest Festival (AYACC, tạm dịch: Liên hoan truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á) - một sự kiện lớn đối với truyện tranh châu Á tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 8, Đỗ Hữu Chí (bút danh Bút Chì) - họa sĩ trẻ “Vẽ bằng tất cả cô đơn” (Tuổi Trẻ ngày 4-6-2010) - gửi đến Tuổi Trẻ bài viết này.


Trang 5 và trang 8 (phải) trích trong tác phẩm Ngộ của Bút Chì - tác phẩm đoạt giải cao nhất dành cho truyện tranh ngắn tại AYACC

Nhìn lại nghề vẽ truyện ở cái khó lẫn những lối rẽ chờ được khám phá, tác giả muốn gửi gắm một niềm tin vào chính đam mê của mình lẫn của những bạn trẻ yêu thích sáng tác truyện tranh nhưng còn rất e dè trước con đường này.

Con đường hẹp

Có thể nói thế hệ 8X chúng tôi lớn lên cùng với manga (truyện tranh) Nhật Bản. Đầu những năm 1990, khi những cuốn sách như Đôrêmon, Bảy viên ngọc rồng, Teppi... ồ ạt đánh chiếm thị trường Việt Nam, đi bất cứ đâu cũng có thể gặp những đứa trẻ đang cắm cúi đọc truyện tranh, say mê sưu tập đềcan các nhân vật yêu thích.

Bước sang những năm 2000, manga lại càng trở nên phổ biến với hàng nghìn đầu sách được xuất bản, đưa độc giả trẻ vào một mê hồn trận đầy hấp dẫn. Vị trí của truyện tranh trong đời sống tinh thần của trẻ em Việt Nam suốt gần 20 năm qua là điều không thể phủ nhận. Truyện tranh, cũng như những loại hình nghệ thuật khác, luôn là mảnh đất tươi tốt cho tưởng tượng, cho ước mơ, cho khát vọng sáng tạo và chia sẻ.

Sẽ khó có thể thống kê bao nhiêu trong số những gương mặt say mê chăm chú vào sách kia đang nuôi giấc mộng trở thành tác giả truyện tranh. Không nhiều, nhưng cũng không ít người trẻ bị giấc mơ ấy ám ảnh. Để rồi càng lớn dần lên, chúng tôi càng nhận ra sáng tác truyện tranh là con đường hẹp đầy chông gai, không phải ai cũng có thể đặt chân lên.

Lúc nhỏ tưởng rằng chỉ cần học vẽ, biết vẽ là được, lớn lên mới biết còn phải biết viết, biết cảm, biết nghĩ, biết triết lý, biết sáng tạo, biết nuôi dưỡng. Lúc nhỏ cứ tưởng vẽ truyện cũng thích như đọc truyện, lớn lên mới biết còn cần phải làm việc chăm chỉ không ngừng. Nói cách khác, nếu chuẩn bị không đủ kỹ, rất có thể bạn sẽ mang lấy một cái nghiệp vào người trong khi truyện tranh chưa bao giờ trở thành một nghề thật sự.

Những cánh cửa mở

AYACC có thể nói là một trong những cánh cửa mở luôn sẵn sàng chào đón các tác giả trẻ đủ tài năng và đam mê. AYACC vừa diễn ra tại thành phố Quý Dương, Trung Quốc đã thu hút tới 26.000 tác phẩm từ khắp thế giới gửi đến dự thi. Tại liên hoan này nhiều hội thảo, tọa đàm, workshop, triển lãm... đã mở ra cơ hội cho các họa sĩ giới thiệu về cá nhân, đất nước mình cũng như được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sáng tác.

Trong bối cảnh manga Nhật Bản và comic của Mỹ, Pháp... đang thắng thế, để khẳng định và thu hút sự chú ý, AYACC mở ra rất nhiều hạng mục trong các cuộc thi và triển lãm. Ví dụ ở mục comics, ban tổ chức phân ra thành minh họa, truyện tranh và biếm họa. Trong khi đó, Festival Kommissia của Nga - tập trung hơn vào comics - lại phân ra làm nhiều loại như graphic novel (tiểu thuyết hình ảnh), manga (truyện vẽ theo style manga), strips (các truyện ngắn 1 trang), photo-comics (truyện dùng ảnh), children comics (truyện trẻ con) và adult only comics (truyện tranh dành cho người lớn). Nhìn từ các liên hoan của bạn bè, “tiền bối”, có thể thấy con đường tưởng hẹp của truyện tranh lại có rất nhiều lối rẽ, lối nào cũng có thể hấp dẫn và hay.

Chỉ tính riêng khu vực châu Á, các nước Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc... đều có các festival thường niên dành riêng cho truyện tranh. Việc gửi tranh tham dự các festival này là không khó, bởi với mục tiêu khuyến khích và quảng bá văn hóa, thường các nhà tổ chức không hạn chế độ tuổi, quốc tịch, đề tài sáng tác và thường ưu tiên các tác giả trẻ. Việc tham dự các festival này không chỉ có ý nghĩa giao lưu học hỏi, mà còn giúp các họa sĩ tự định vị lại bản thân trên con đường đầy thử thách phía trước.

Bắt đầu từ câu chuyện hay

Trong quá trình làm việc, hẳn các tác giả trẻ đều ít nhiều tự hỏi: để sáng tác hay, điều gì quan trọng nhất? Câu hỏi thường trực này có lẽ cũng là đề tài được đem ra bàn luận sôi nổi nhất trên các diễn đàn truyện tranh. Phong cách, nét vẽ hay đề tài, nội dung mới là yếu tố quyết định?

Trong một cuộc trò chuyện nhỏ gần đây với người viết, Mark Walsh - một đạo diễn hoạt hình kỳ cựu của Pixar Animation Studio - chia sẻ: điều quan trọng nhất chính là câu chuyện. Điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực hoạt hình (animation), mà còn hoàn toàn đúng đối với sáng tác truyện tranh. Khi bạn có một câu chuyện hay muốn kể, và nhu cầu kể là bức thiết, lớn lao thì mọi điều khác sẽ tự đến: phương pháp, kỹ thuật, phong cách, chất liệu, công cụ, cùng tất cả phương tiện khác bao gồm cả tiền bạc và thời gian.

Hãy nhớ lại Osamu Tezuka - cha đẻ của manga Nhật Bản, tác giả của hơn 700 bộ manga với hơn 150.000 trang truyện - con số mà cho đến bây giờ các mangaka với mọi công cụ hỗ trợ tối tân vẫn phải cúi đầu ngưỡng vọng. Điều cốt lõi nào đã làm nên sự vĩ đại nơi ông? Tezuka vẽ từ khi manga còn chưa là manga, từ trong sự khốn khó của Nhật Bản thời hậu chiến, từ trong sự eo hẹp về thời gian của một tiến sĩ y khoa. Không gì khác hơn, nhu cầu chia sẻ hàng nghìn câu chuyện thấm đẫm đam mê sáng tạo, sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc đối với nhân loại là chìa khóa dẫn đường của ông. Và chính suối nguồn bất tận ấy đã làm nên nhiều mangaka vĩ đại nối bước ông sau này: Fujiko F. Fujio, Naoki Urasawa...

Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể kể một nghìn câu chuyện, nhưng kể cả khi bạn chỉ có một câu chuyện hay duy nhất để kể, cả thế giới vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe bạn.

Một truyện tranh ngắn hay một giải thưởng chỉ là một cột mốc nhỏ. Như mọi nghề nghiệp, để trở thành tác giả truyện tranh chuyên nghiệp, điều nhất định phải làm là vẽ liên tục mỗi ngày. Với chúng tôi, những họa sĩ trẻ, việc mỗi ngày ghi chép lại điều gì đó bằng tranh không chỉ là một nhu cầu mà còn là một bài tập bắt buộc.

Khi chia tay chúng tôi ở Quý Dương, giáo sư John A. Lent - một người Mỹ có nhiều năm nghiên cứu truyện tranh, người chúng tôi vô cùng cảm phục vì sự am hiểu lĩnh vực truyện tranh - chỉ nhắc đi nhắc lại: “Keep working” (Hãy không ngừng làm việc). Có lẽ đó là đúc kết cả một đời làm việc của ông, là lời khuyên chí tình nhất ông có thể dành cho các tác giả trẻ. Đến lượt mình, người viết lại nhớ đến Dory, cô cá xanh bé nhỏ vô tư trong phim hoạt hình Finding Nemo và cách mà cô vừa bơi tung tăng nhắm hướng đáy sâu mịt mùng vừa hát: “Nào hãy bơi tiếp, cứ bơi tiếp, cứ bơi tiếp...”.

Bút Chì (Đỗ Hữu Chí) và một trang trong tác phẩm Ngộ tại triển lãm AYACC - Ảnh tác giả cung cấp

Câu chuyện là linh hồn của truyện tranh

Bút Chì chia sẻ về tác phẩm đoạt giải cao nhất dành cho truyện tranh ngắn của mình tại AYACC: “Ngộ chỉ là câu chuyện nhỏ (tám trang) về một thời sinh viên đại học, được sáng tác khi kinh nghiệm vẽ của tôi chỉ vỏn vẹn một năm minh họa báo, bằng các công cụ đơn giản: giấy, bút chì, bút mực, giấy can, chuột máy tính... Dù vậy, Ngộ vẫn vượt qua nhiều tác phẩm công phu về kỹ thuật khác. Tôi biết rằng không phải phần thể hiện mà chính mạch cảm xúc và sự khác lạ của truyện tranh mình đã gây ấn tượng tốt với ban giám khảo và người xem”.