Ngày 26/2, Viện Nghiên cứu Quân phòng Quốc gia (National Institute for Defense Studies) (NIDS) của Nhật Bản đã đăng bài của TS. Tomotak...
Tổng quan về vấn đề
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, trong đó có việc tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã từ lâu thu hút sự chú ý của không chỉ các học giả mà còn cả những người đang công tác trong lĩnh vực an ninh ở Đông Á. Trong những năm 1980, hành động gây hấn đòi chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, mà điển hình là việc chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, và xung đột quân sự sau đó với Việt Nam vào năm 1988, đã gây ra sự quan ngại lớn đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là một số nước thành viên ASEAN đang đòi chủ quyền lãnh thổ trong khu vực này. Sau đó, chủ yếu nhờ các nỗ lực phối hợp của ASEAN, căng thẳng liên quan tới vấn đề này đã dịu bớt và được hạn chế một phần, dẫn tới việc ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông vào năm 2002. Mặc dù tuyên bố này về bản chất không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng nó cho thấy một cách rõ ràng thiện chí của các bên liên quan để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình, và người ta hy vọng rằng ASEAN và Trung Quốc có thể sẽ tăng cường các cuộc thương lượng đến mức nâng cấp tuyên bố chung trên thành một đạo luật ứng xử mang tính ràng buộc hơn. Trên thực tế, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 11 vào tháng 11/2007, các bên đã tái khẳng định quyết tâm thông qua một đạo luật ứng xử như vậy.
Thuyết đe dọa đang quay lại?
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tái thực hiện các hoạt động quân sự như tăng cường các cuộc tuần tra và diễn tập ở vùng Biển Đông, đồng thời tăng cường sức mạnh hải quân một cách nhanh chóng và quy mô lớn, trong đó có việc tăng số lượng tàu ngầm và tàu khu trục cỡ nhỏ, xây dựng các căn cứ tầu ngầm, và tìm cách có các hàng không mẫu hạm. Vào tháng 3/2009, một tàu của Hải quân Mỹ đang tiến hành các hoạt động theo dõi trong khu vực đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ở Biển Đông đã chạm trán với các tàu chiến của Trung Quốc. Cũng trong tháng đó, Trung Quốc đã triển khai tàu cỡ lớn Yuzheng 311 được tân trang từ một tàu chiến để phục vụ hoạt động tuần tra bảo vệ nguồn thủy sản trong khu vực này. Hành động này của quân đội Trung Quốc đã làm dấy lên các quan ngại mới đối với các nước đang đòi chủ quyền lãnh thổ trong khu vực này, đặc biệt là Việt Nam. Vào tháng 6/2009, hơn 30 ngư dân của Việt Nam đang đánh bắt ở quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị Hải quân Trung Quốc bắt giữ. Trong tháng 8, Trung Quốc lại giữ một tàu đánh cá lưới cào của Việt Nam và bắt giam các ngư dân trên tàu ở cùng khu vực này. Việt Nam, nước đang tránh liên kết với Trung Quốc về mặt an ninh, hiện đang bày tỏ quan ngại của mình một cách rõ ràng hơn.
Phản ứng vừa phải của Việt Nam đối với Trung Quốc trên Biển Đông
Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra 2 tuyên bố chính thức về Biển Đông: một là nhấn mạnh chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các bằng chứng lịch sử đầy đủ (Về mặt chính thức, Việt Nam chưa bao giờ cho thấy sự sẵn sàng thỏa hiệp); mặt khác, mặc dù không bao giờ từ bỏ chủ quyền để tiếp tục tìm kiếm một giải pháp đối với vấn đề này thông qua con đường hòa bình.
Liên quan tới thái độ phức tạp của Việt Nam đối với Trung Quốc và Biển Đông, sự mô tả trong sách trắng quốc phòng số 3 và mới nhất do Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố vào tháng 11/2009 rất đáng chú ý; như một quan điểm an ninh khu vực, sách trắng khẳng định rõ ràng rằng các tranh chấp lãnh thổ ngày càng trở nên phức tạp hơn trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông. Tuy nhiên, sách trắng cũng nhấn mạnh các nỗ lực đã thực hiện để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình, hoặc ít nhất là làm dịu các căng thẳng phát sinh từ vấn đề này. Hơn thế nữa, nó cũng nhấn mạnh sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc tiếp tục đối thoại để tìm giải pháp.
Các nhà chức trách quốc phòng Việt Nam dường như đang cẩn thận tránh tình huống, trong đó quan điểm cảnh giác của Việt Nam đối với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông được nhấn mạnh một cách quá mạnh mẽ. Việt Nam phải cân bằng quan hệ hợp tác với Trung Quốc và sự cảnh giác đối với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Các phương tiện truyền thông Việt Nam, thực chất do nhà nước kiểm soát trong một nước xã hội chủ nghĩa, có xu hướng tập trung vào các diễn biến của các cuộc đàm phán với các đối tác Trung Quốc liên quan về giải pháp cuối cùng cho các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Trên thực tế, vấn đề biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được giải quyết một cách hoàn toàn. Vào tháng 11/2009, hai nước đã ký kết 3 văn bản về phân mốc và kiểm soát biên giới.
Hành động tiếp theo của Việt Nam?
Đối mặt với một thách thức tiềm tàng trên Biển Đông, Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Môi trường chiến lược xung quanh Việt Nam hiện nay sẽ chỉ đem lại cho nước này các phương án chính sách hạn chế: sẽ không khả thi đối với Việt Nam để theo đuổi việc tăng cường quan hệ đối tác quân sự với các cường quốc khác, như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hoặc Nga, để cân bằng sức mạnh đang ngày càng lớn của Trung Quốc. Việt Nam thực ra đã bác bỏ phương án tham gia vào một liên minh quân sự với các cường quốc bên ngòai. Rốt cuộc, đúng như Ralf Emmers đã từng nói, Việt Nam, và có thể các nước đang đòi chủ quyền khác ở Biển Đông, sẽ phải tìm kiếm một giải pháp nào đó thông qua ASEAN, với tư cách thể chế ngoại giao tập thể, mặc dù con đường tới một giải pháp, với sự bất ổn trong ý định của Trung Quốc trong tương lai, vẫn chưa rõ ràng. Một trong những phương án thích hợp sẽ là tiếp tục các cuộc thương lượng với Trung Quốc trong khuôn khổ đối thoại ASEAN-Trung Quốc. Trong tương lai gần, Việt Nam, với các nỗ lực của mình để tăng cường quan hệ ngoại giao đa phương, sẽ theo đuổi một giải pháp hòa bình. Chính sách này có thể trở thành một giải pháp khả thi chừng nào Trung Quốc còn cần một môi trường ổn định và hòa bình để phát triển kinh tế, và vì vậy, nước này có thể tìm lợi ích trong một giải pháp hòa bình đối với vấn đề này. Chắc chắn, Trung Quốc là một nhân tố quan trọng để quốc gia vấn đề này bất chấp các quan ngại đang tăng từ các nước láng giềng. Đối với Việt Nam, nước này chỉ có một con đường hẹp tới giải pháp nhưng Việt Nam sẽ phải tiếp tục tăng cường sự chắc chắn để đạt tới điểm tối ưu đối với các nước đòi chủ quyền trong khu vực./.
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/756-tomotaka-shoji-nhat-tranh-chp-tren-bin-ong-vit-nam-phn-ng-co-gii-hn-va-thn-trng