Page Nav

Hot

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Top Ad

//

Breaking News:

latest
Hot

Nhịp sống Gò Cát

Gò Cát là một vùng quê thuộc xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn. Nơi đây là vùng đất cát pha, gò cao nên mùa nắng thì khô cằn. Trước đây, kinh tế...



Gò Cát là một vùng quê thuộc xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn. Nơi đây là vùng đất cát pha, gò cao nên mùa nắng thì khô cằn. Trước đây, kinh tế của vùng không mấy phát triển, chủ yếu là sản xuất lúa nhờ vào mùa mưa, nhưng cũng không đem lại hiệu quả là bao nhiêu. Đời sống của người dân luôn rất khó khăn, thiếu thốn, số hộ nghèo chiếm đông nhất xã. Thế nhưng, miền quê nghèo khó, heo hút ấy giờ đây đã khác xưa, đã thay da đổi thịt và vươn lên khá sung túc. Thời gian gần đây, xóm Gò Cát đã nổi lên như một điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi của địa phương.

Vùng đất Gò Cát trước kia là 4 không : không đường, không điện, không nước sạch sử dụng và sản xuất không có hiệu quả kinh tế. Đi kèm theo đó là đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân rất thiếu thốn, được xếp là một nơi nghèo nhất xã. Một thời, người dân vùng Gò Cát sống chủ yếu nhờ vào cây lúa, nhưng do điều kiện đất đai không thuận lợi, thiếu nước tưới và sản xuất theo thói quen, tập quán cũ nên năng suất thấp. Do sản xuất không hiệu quả, cái nghèo luôn đeo bám. Vì thế, một số người phải rời xa quê hương đi làm ăn, mưu sinh ở xứ xa. Đất đai nơi đây khá nhiều nhưng phải bỏ không, hoang hóa.

Để vực vậy vùng đất này, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương đưa khoa học kỹ thuật tiến bộ, giống mới có năng suất cao để giúp cho nông dân áp dụng vào đồng ruộng, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, đưa rau màu xuống ruộng... Tuy đã cải thiện được tình trạng thiếu đói cho vùng này nhưng khó có thể giúp người dân giàu lên được vì sản xuất chưa bền vững. Nhiều phương án phát triển kinh tế cho vùng đất Gò Cát được địa phương đưa ra thực hiện. Trong đó, cái chính là đẩy mạnh công tác thủy lợi, tạo nguồn nước đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất, khuyến khích nông dân chuyển những diện tích đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả sang lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản mà đối tượng cây trồng chính là cây cam sành. Nhờ vậy, đã giúp cho sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển và đem lại thu nhập khá cho người dân.

Cây cam sành đã góp phần giúp người nông dân ở Gò Cát có cuộc sống sung túc hơn

Bây giờ, đến xóm Gò Cát, mọi người đều bất ngờ vì sự thay đổi trên vùng quê này. Cách đây 10 năm, nơi này chỉ trồng được một vụ lúa Hè Thu nhờ vào nước trời là chính, những tháng còn lại đất đai bị khô cằn nên phải bỏ không, chỉ một số ít diện tích có điều kiện thuận lợi được bà con tận dụng trồng rau màu, dưa hấu, mức thu nhập của các hộ dân không bao nhiêu, đời sống vô cùng khó khăn, thì ngày nay, trên vùng đất này, hầu hết diện tích đều phủ lên màu xanh của cây trái, những vườn cây có múi đã bám rễ và phát triển xanh tốt. Nhiều diện tích trồng lúa ở Gò Cát đã được thay bằng những vườn cam sành. Toàn vùng có trên 152 ha đất trồng lúa nhưng từ năm 2006 đến nay đã giảm đi gần 50 ha, diện tích vườn phát triển lên gần 100 ha (riêng cây cam sành chiếm hơn 35% diện tích).

Chuyện trồng cam sành làm đổi đời nhiều hộ nông dân ở xóm Gò Cát hiện đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của địa phương. Bởi lẽ, nhìn sự vươn lên của bà con vùng đất này, không ai nghĩ rằng nó có thể diễn ra khá nhanh chóng chỉ sau một thập niên đầu tư phát triển. Vào những ngày giáp Tết Canh Dần 2010, chúng tôi đến thăm ông Phạm Văn Sua, ở ấp Cống Đá. Ông là một trong những người đi tiên phong trong chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cam sành và là một nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương. Khi nghe ông kể về chuyện sản xuất, chuyện trồng cam, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay, làm giàu nhanh chóng của gia đình. Bằng suy nghĩ có tính đột phá, năm 2004, ông Sua là một trong những người đầu tiên ở vùng này trồng cam sành. Lúc đầu, ông chuyển đổi trồng 7 công cam, đến nay, đã cho được 3 mùa trái, bình quân mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng. Thấy trồng cam có hiệu quả, năm 2009 vừa qua, ông tiếp tục chuyển thêm 5 công đất lúa nữa để trồng cam sành. Hiện nay, cuộc sống của gia đình ông vượt qua những tháng ngày khó khăn và đã vươn lên khá giàu

Ở Gò Cát, những hộ nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, trồng cam sành đều có cuộc sống ổn định. Cùng với sự nỗ lực tự thân của bà con nông dân trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, thành quả phát triển kinh tế của xóm Gò Cát hôm nay còn nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực, kịp thời của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Số hộ khá giàu đã tăng lên hàng năm và bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đất lúa sang phát triển vườn cam sành mà đời sống của người dân Gò Cát hiện nay được nâng lên đáng kể, số hộ nghèo hầu như không còn và được thay vào đó là những hộ khá giàu ngày càng nhiều. Mức thu nhập bình quân của nhiều hộ dân nơi đây từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng/năm là chuyện bình thường. Theo người dân ở đây, nếu vườn cây trúng mùa và bán có giá, chỉ cần 2 - 3 công cam sành thì thu nhập kinh tế lên đến vài trăm triệu đồng/năm, cá biệt có hộ đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Đời sống kinh tế mấy năm nay phát triển nên người dân Gò Cát đều vui tươi, phấn khởi trước những đổi thay của quê hương mình

Một mùa xuân mới đã đến trên quê hương Gò Cát, đời sống nhân dân đã ấm no, mọi nhà đều sung túc. Vùng quê nghèo của xã Thuận Thới ngày nào nay đã nhộn nhịp hẳn lên và đón Tết Canh Dần trong không khí rất phấn khởi. Những vườn cây ăn trái trĩu quả đã mở ra một tương lai tươi sáng cho vùng đất khô cằn này. Người dân nơi đây Gò Cát từ đây thật sự an tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.