(VTC News) - Một cảnh tượng chưa ai từng thấy hiện ra trước mắt: Một ông quan đang… nằm ngủ. Tướng mạo cực đẹp, râu dài ngang ngực, vẫn mặc ...
Tin liên quan |
» Bí mật về một “cung điện” dưới lòng đất ở Hải Dương |
Kỳ 1: Phá mộ tìm châu báu
Ngôi mộ được đồn là của Lý Thường Kiệt nằm giữa cánh đồng thôn Ngọc Quỳnh. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Lý do là mới đây, đại diện dòng họ Ngô Việt Nam, đứng đầu là ông Ngô Vui, Trưởng ban liên lạc họ Ngô Việt Nam, đã về tận thôn Ngọc Quỳnh để “nghiên cứu” ngôi mộ, tìm hiểu thông tin, thắp hương khấn vái. Từ sự việc này, người dân nơi đây gần như đã tin rằng, người nằm dưới ngôi mộ giữa cánh đồng Ngọc Quỳnh, chính là của Thái úy Lý Thường Kiệt.
Ông Mai Văn Tòng, người tham gia đào phá ngôi mộ, vẫn nhớ như in cái ngày cách đây 30 năm, năm 1979, khi chính tay ông cùng một số người kéo xác “ông quan” lên mặt ruộng, rồi lại chính tay ông và một số người đẩy cái xác nguyên vẹn xuống hố sâu, lấp lại qua loa bằng đất.
Sử dụng phương pháp cảm xạ để xác định các thông tin dưới ngôi mộ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Ngày đó, cũng như những vùng quê khác, thôn Ngọc Quỳnh tổ chức san lấp gò đống, mở rộng ruộng đất để tăng gia sản xuất. Ngày đó, cánh đồng Ngọc Quỳnh có rât nhiều gò đống, có gò nhỏ, có gò lớn như quả đồi, cao vượt ngọn tre. Tổng cộng có 10 người nằm trong tổ san lấp gò đống, làm công chấm điểm.
Theo những người này, khi phá những gò đống, họ đều thấy có gò chứa nhiều loại gạch lạ, có gò lại chứa nhiều gỗ mục, với những súc gỗ rất lớn. Theo tôi, thì có thể dưới những gò đống mà người dân nơi đây phá từ 30 năm trước, là mộ Hán và mộ gỗ hình cũi, là hai loại mộ phổ biến thời Bắc thuộc. Giữa cánh đồng bằng phẳng, có những gò đống lớn, thì hầu như bên trong gò đống là những ngôi mộ của quan lại, người giàu thời Hán.
Sau khi đào phá, san lấp được hơn chục gò, thì tổ phá gò đống chạm phải một cái bể lạ, hình chữ nhật, nằm trong lòng gò, chỉ sâu hơn mặt ruộng độ 20cm. Cái gò này khá nhỏ, hình tròn, độ 16 mét vuông, cao hơn mặt ruộng chừng 1m.
Ông Mai Văn Tòng, người trực tiếp đào phá ngôi mộ cổ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Ông Tòng bảo: “Thú thực, lúc đó chúng tôi cũng chả biết nó là cái gì. Người đoán là bể nước cổ, người đoán là kho báu của Tàu. Thôi thì cứ đập vỡ xem nó là cái gì, nếu có châu báu thì tốt quá. Lúc đó, nào ai biết đấy là mộ đâu. Nghĩ cái mộ, thì chỉ có quan tài bằng gỗ, chứ đâu thể bằng cái chất liệu gì giống bê tông kia được. Nói ra thật xấu hổ, có lỗi với tiền nhân, nhưng đúng là ngày đó ấu trĩ thật”.
Để phá được “kho báu Tàu”, mấy thanh niên trong tổ phá gò đống này phải dùng đến búa tạ, búa chim, xà beng. Xà beng phóng xuống bồm bộp, rồi búa chim giáng xuống bùng bùng, chỉ hơn tiếng đồng hồ, mái “bể kho báu” đã vỡ thành từng mảng.
Ông Phan Văn Sợi, cũng là người trong tổ đào phá gò đống, kể: “Đời tôi chưa bao giờ thấy có loại bê tông nào lạ như thế, nó khá mềm, búa chim bổ vào nó vỡ ra như vôi cát, nhưng để vài tiếng, nó lại rắn lại…”.
Khi phá thủng lớp “bê tông”, ai cũng ngạc nhiên khi thấy mùi thơm bốc ra từ ngôi mộ. Chẳng ai nghĩ rằng mộ lại thơm, chỉ có kho báu và hương liệu mới thơm như thế, nên tiếp tục phá. Bên trong cái “bể bê tông” ấy, rõ ràng là cái quan tài rất lớn, dài đến 2m, màu sơn ta còn cực kỳ mới, nguyên vẹn.
Ông Phan Văn Sợi vẫn nhớ như in cảnh tượng đào mộ 30 năm trước. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Nghi ngờ là mộ cổ rồi, song vẫn nghĩ bên trong quan tài có của, nên nhóm người tiếp tục phá nắp thiên. Một cảnh tượng chưa ai từng thấy hiện ra trước mắt: Một ông quan đang… nằm ngủ. Tướng mạo cực đẹp, râu dài ngang ngực, vẫn mặc áo thêu rồng phượng, bụng đeo đai, mũ tai chuồn... Ông Sợi bảo: “Trông người nằm trong mộ giống hệt ông Bao Công xử án trong phim Trung Quốc. Trên ngực ông quan có tấm vải vuông, thêu hình con nghê đi trên mây, quay đầu về phía mặt trời”.
Những người đào phá ngôi mộ nghĩ rằng kiểu gì cũng có vàng bạc, châu báu, nên lần mò trong quan tài tìm kiếm. Tuy nhiên, họ chỉ thu được vài thứ lặt vặt như hộp sáp bé xíu bằng cái miệng chén, chiếc quạt sừng ngà.
Trong quan tài đó, cơ man nào là vải. Riêng gối có 3 chiếc, một chiếc gối dưới đầu, hai chiếc chèn hai bên đầu. Dọc phần thân, đến tận cuối quan tài được chèn bằng những súc vải. Theo ông Tòng, có tổng cộng đến 300 mét vuông vải được chèn trong áo quan, nhằm giữ cho người chết nằm đúng tư thế.
Chân ngôi mộ mới được xây lại. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Không kiếm được của trong quan tài, nhóm người phá mộ đã quyết định… lột trần ông quan để tiếp tục tìm kiếm. Họ phải cởi tổng cộng 36 lớp áo, thân thể ông quan mới trần trụi. Những chiếc áo ông quan này mặc đều có chất liệu vải lanh, còn rất mới, rất nguyên vẹn. Mọi người thử xé vải thì vẫn nghe rõ tiếng xoèn xoẹt như mới tinh. Tuy nhiên, ngoài cơ thể trần trụi, với thịt da còn nguyên màu, vẫn đàn hồi như người đang sống, thì không có thứ của cải nào cả.
Lúc đó, mùi thơm từ ngôi mộ đã theo gió lan tỏa khắp cánh đồng, vào làng Ngọc Quỳnh. Người dân ngửi thấy mùi thơm kỳ lạ, lại thấy nhóm người đào bới ngoài cánh đồng, đã kéo ra kín mít, đông như hội. Lúc đó, cuộc đào phá ngôi mộ mới bị lộ.
Thế nhưng, chỉ hơn tiếng sau, cơ thể của ông quan kia đã chuyển sang màu đen xì và 2 tiếng sau thì thịt da bắt đầu mủn, rồi bốc mùi khủng khiếp, khiến đám người tò mò chạy tán loạn. Những súc vải, những bộ quần áo rất đẹp, màu mè, hình thêu, cũng xỉn dần, rồi mủn ra.
Đại diện dòng họ Ngô Việt Nam làm lễ trước ngôi mộ nghi là của Lý Thường Kiệt. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.