Ngồi ở hàng ghế đầu trong lớp, cẩn thận ghi chép bài vở không phải là điều khác biệt duy nhất ở Nola Ochs tại Trường đại học Fort Hays, Mỹ. ...
Nhưng đó không phải là chủ ý của bà. Đơn giản chỉ bởi bà thích học từ khi còn là cô bé ở một nông trang tại hạt Hodgeman. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà làm giáo viên tại một trường một lớp học và sau đó trở thành vợ của một người đàn ông ở nông trại và rồi lại làm mẹ.
Bà Ochs trên lớp học.
“Khao khát được học vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Tôi đến đây không hề nghĩ là sẽ để trở thành một thứ đặc biệt như thế này”, bà Ochs tâm sự. “Đơn giản bởi tôi muốn học. Tôi cảm thấy mãn nguyện khi được học. Tôi muốn được học và nghiên cứu.”
Theo Kỷ lục Guinness thế giới, bà Ochs sẽ phá kỷ lục của Mozelle Richardson, người đã nhận được bằng tốt nghiệp đại học Oklahoma khoa báo chí năm 2004 ở tuổi 90.
“Chúng ta đều có thể may mắn và làm được những điều kỳ diệu như vậy. Thành tích của bà đáng để tất cả chúng ta học tập để vươn tới mục đích, ước mơ của chúng ta”, Tom Nelson, giám đốc điều hành Hiệp hội người về hưu ở Mỹ AARP tại Washington cho biết.
Và dĩ nhiên, bà Ochs nhận được vô số lời mời xuất hiện trên truyền hình, lời mời phỏng vấn. Bà rất thích. “Điều đó làm cho trường đại học này và một phần của bang này được chú ý tới. Những người tốt đều sống ở đây. Và tôi vẫn là tôi.”Bà Ochs với một giảng viên của mình.
Tuy nhiên bà cho biết: “Ở cái tuổi này tôi không tập trung được lâu. Nó hạn chế tôi rất nhiều.”
Bà Ochs bắt đầu tham gia các lớp học ở trường đại học Cộng đồng thành phố Dodge sau khi chồng bà mất năm 1972 ở tuổi 39. Tuy nhiên bà không có đủ thời gian để học đủ hết các tiết học. Mùa thu năm ngoái, bà Ochs đã quyết định chuyển từ nông trang đến một phòng trong khuôn viên của trường để hoàn thành nốt 30 tiết học còn lại của chuyên ngành lịch sử của mình.
Cao 1m58, với mái tóc bạc trắng quấn lại thành búi, bà bước đi những bước vững chãi dọc hành lang đến các lớp học. Sách vở bà để trong một chiếc túi dài tận gót chân. Các sinh viên khác gật đầu và mỉm cười với bà. Với mọi người, bà là người hóm hỉnh, duyên dáng và có cái nhìn thực tế.
“Tất cả mọi người đã chấp nhận tôi. Tôi cảm thấy mình như mọi sinh viên khác. Và các sinh viên khác đều tôn trọng tôi.”
Vừa ra khỏi phòng học, Skyla Foster, một sinh viên cũng chuyên ngành lịch sử học ở khoá dưới, nhìn thấy bà Ochs liền gọi tên bà ngay. Với mọi người trong trường, bà là “Nola” chứ không phải bà Ochs. Và bà rất thích được gọi như vậy.
“Bà ấy khá gọn gàng, ngăn nắp và là người rất thú vị, rất hiểu biết”, Foster nhận xét.
Còn Todd Leahy, chủ nhiệm khoa lịch sử, mới đầu vô cùng băn khoăn không biết bà Ochs có thể theo kịp được các sinh viên khác hay không. Nhưng sau hai tuần, tất cả những băn khoăn đó đều biến mất. Ông còn phát hiện ra bà là người cung cấp một kho tàng lịch sử sống cho những sinh viên khác.
Leahy còn muốn ghi âm những bài lịch sử cùng bà sau khi bà tốt nghiệp. “Tôi có thể nói cho học sinh biết về những sự kiện lịch sử, nhưng có Nola, lớp học sẽ có không khí hơn. Đó là điều mà hiếm khi bạn có được.”
Ví dụ như trong buổi thảo luận về Chiến tranh thế giới lần thứ II, bà Ochs đã kể về việc bà và chồng cùng những nông dân trồng lúa mỳ khác ở trong vùng đã dành đất trồng đậu tương phục vụ cho chiến tranh như thế nào.
“Ở trên lớp, tôi chưa bao giờ nói về những điều đó. Nhưng bà ấy đã mang câu chuyện đó đến lớp và kể cho mọi người. Bà ấy thường xuyên thêm sắc màu cho những câu chuyện lịch sử”.
Điều đặc biệt là tuy nhiều tuổi như vậy nhưng bà Ochs chưa bao giờ phàn nàn về bài vở, và cũng chưa bao giờ yêu cầu được ưu tiên.
Trong căn phòng một phòng ngủ của bà ở trường, các cuốn sách luôn được mở, giấy và các mẩu giấy ghi nhớ luôn trong tầm với để mỗi khi bà ngồi vào bàn máy tính tìm kiếm cái gì đó thì có thể ghi lại. “Tôi đến đây với mục đích học. Không. Tôi không bao giờ nghi ngờ về mục đích đó cả. Mọi người khác cũng vậy”, bà nói.
Bà Ochs cho biết bà đã học được nhiều điều mới ở trường. Bà đã hiểu thêm được nhiều về lịch sử của Nga, cũng như vai trò của Dwight Eisenhower trong trận chiến D-Day.
Một điều đặc biệt nữa là vào ngày 12/5 tới, đứa cháu gái 21 tuổi của bà, Alexandra Ochs, cũng sẽ tốt nghiệp cùng bà. “Có bao nhiêu người ở tuổi tôi có cơ hội đi học cùng với bà của mình? Bà được tất cả mọi sinh viên khác chấp nhận”, Alexandra tự hào nói. “Họ rất quý bà. Tuy nhiên, vẫn không bằng tôi”.
Còn hiện tại bà Ochs mong được trở về nhà để giúp gia đình thu hoạch lúa mỳ, như bao năm bà vẫn làm. Sau vụ thu hoạch bà có thể đi đâu đó, hoặc lại tiếp tục tham gia các lớp học khác nữa ở một trường đại học cộng đồng.
Và sau đó? “Tôi sẽ đi xin làm người kể chuyện trên một con tàu biển”, bà mỉm cười nói. Nét quả quyết trong mắt bà cho thấy bà hoàn toàn nghiêm túc.