Page Nav

Hot

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Top Ad

//

Breaking News:

latest
Hot

Cận cảnh sinh viên năm cuối

Năm cuối, có nghĩa là sinh viên sắp phải lo cho nghề nghiệp tương lai của mình, sắp qua cái thời được bố mẹ “bao cấp” toàn bộ. Điều đó cũng ...

Năm cuối, có nghĩa là sinh viên sắp phải lo cho nghề nghiệp tương lai của mình, sắp qua cái thời được bố mẹ “bao cấp” toàn bộ. Điều đó cũng có nghĩa là dân ét vê phải sống có trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng ý thức được như thế đâu. Hệ tư tưởng của họ phong phú và phức tạp hơn nhiều. Bên cạnh việc học, thì việc chơi và chuyện yêu đương cũng chiếm kha khá thời giờ, vốn chẳng còn nhiều nhặn mấy của những sinh viên năm cuối.


Các tân cử nhân nhận bằng

1. Học chính: chểnh mảng

Đó là quan điểm chung của khá nhiều sinh viên. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ này. Thứ nhất là kết quả học tập của những kì trước đã khá ổn định, có thể dự báo trước được tấm bằng khi ra trường là bằng gì. Nếu có cố gắng thì cũng không thay đổi cục diện được mấy. Thế nên, cái sự nghiệp học hành, phấn đấu không còn được sôi nổi bằng những năm trước. Nếu zoom vào một lớp học cụ thể thì mới thấy rõ tình trạng này hiện đang lan tràn như thế nào. Như lớp của T (đại học L) thì năm ba và năm cuối khác nhau một trời một vực. Nếu như những giờ thảo luận của năm ba hào hứng, say mê bao nhiêu thì bây giờ lại tẻ ngắt bấy nhiêu. Có khi giảng viên phải chỉ định người đặt câu hỏi rồi chỉ định luôn người trả lời. Tinh thần xung phong, tự giác kém hẳn năm ngoái. Ngộ nghĩnh hơn, có giảng viên còn phải “dụ khị” sinh viên bằng phần thưởng nếu như đưa ra được câu hỏi hay. Thế mà cả lớp vẫn im như thóc.

Nguyên do thứ hai chính ở tâm lí chợ chiều cuối khóa của sinh viên. Những môn học cuối cùng, học dồn dập cho hết môn, bài tập nhiều nên không có thời gian dư dả để nghiên cứu thêm nên sinh viên sẽ thấy không có hứng thú với những môn học cuối. Tâm lí học cho xong đã khiến giới ét vê học một cách chiếu lệ. Họ không biết rằng những kiến thức của năm cuối vô cùng quan trọng, vì toàn là kiến thức chuyên ngành. Nếu như bỏ qua thì đó sẽ là một lỗ hổng kiến thức lớn không dễ gì bù đắp được.

2. Học thêm : Rộn ràng

Học thêm ở đây bao gồm tiếng Anh, tin học và những kĩ năng mềm mà sinh viên cảm thấy cần thiết cho mình khi ra trường. Nhận thức được tầm quan trọng của những kĩ năng này nên có một bộ phận sinh viên đã không tiếc thời gian và tiền bạc để “cày bừa” cuối khóa. Trang (đại học NH) đã đầu tư gần 4 triệu đồng cho một khóa học tiếng Anh tại Hội Đồng Anh. Kết quả thế nào thì chưa biết, nhưng bạn bè chỉ thấy cô bạn này có vẻ tự tin hơn hẳn khi nói chuyện cùng người nước ngoài. Những tài liệu có dính dáng đến tiếng Anh cũng không còn làm khó Trang nhiều như hồi trước. Như vậy, sự đầu tư cũng không phải là đổ xuống sông, xuống bể. Gần gần với Trang, là cậu bạn Lâm, đang tham gia học một khóa thuyết trình và kĩ năng tư duy tại một trung tâm bồi dưỡng về kĩ năng sống. Lâm tham gia học vì thấy mình là sinh viên năm cuối rồi mà còn thiếu quá nhiều kĩ năng, đến trình bày một bài tập lớn còn lúng túng trước thầy cô và các bạn. Một khóa học về thuyết trình là không thừa với một sinh viên và hơn nữa, có thể nó còn phát huy tác dụng cả trong quá trình làm việc sau này nữa.

Với một lí do rất…con gái, nhiều sinh viên nữ lại đi học trang điểm. Học phí một khóa học trang điểm cá nhân ở trung tâm dạy nghề 10/10 ( Hà Nội) không quá đắt (tầm 300- 400.000/ 6 buổi) mà học xong lại ứng dụng được luôn nên số sinh viên nữ theo học khá đông. Vừa để trang điểm cho mình trong những dịp quan trọng như lễ hội, phỏng vấn, vừa để giúp bạn bè nếu lỡ họ chưa biết trang điểm nên các girl rất hào hứng với công cuộc “học làm đẹp“ này.

3. Chơi & yêu : quyết không để phí

Vì là năm cuối, thời gian bên nhau không còn nhiều nên những cơ hội ăn, chơi, tụ tập được tận dụng triệt để. Vào năm học được hơn một tháng thì có Trung Thu, hết Trung Thu thì đến ngày hội của chị em 20-10, sau đó thì có Giáng sinh, qua Giáng sinh thì đến Tết. Đấy, giới sinh viên cứ tính nhẩm những dịp được ăn chơi “có lí do chính đáng” để lập ra kế hoạch từ bây giờ. Thôi thì hết ngọt lại mặn, có còn bao lâu bên nhau nữa. Nhóm bạn của T (đại học TM), mới đi học được một tháng mà đã tụ tập được hai lần, một lần cả nhóm đi hát karaoke, lần nữa thì làm bún chả. Vui thì vui thật, song không ai để ý rằng số lần đàn đúm tỉ lệ nghịch với số điểm trên lớp.

Chơi là vậy, chuyện yêu cũng được sinh viên năm cuối xúc tiến nhanh cho kịp "tiến độ". Với lí luận: “Thời sinh viên mà không có lấy một mối tình vắt vai thì… phí lắm” nên những ai đang trong tình trạng “rung rinh” thì…đổ luôn. Chưa hẳn đã là yêu, song có nhiều người mặc nhiên thừa nhận người đang “cầm cưa” mình là người yêu cho bằng chúng bằng bạn. Tâm lí mặc cảm khi ra bảo vệ khóa luận, đồ án mà không có ai tặng hoa đã khiến cho những mối tình năm cuối tiến triển mau lẹ đến không ngờ. Cái kết ra sao thì chẳng ai rõ, song người trong cuộc thì có vẻ hỉ hả ra mặt.

Là sinh viên năm cuối có nghĩa là bạn đã có một sự thay đổi đáng kể về “lượng” lẫn "chất”. Cổng trường đại học sắp lùi xa, thay vào đó là những nỗi lo và gánh nặng của cuộc sống mà chẳng sớm thì muộn, các sinh viên nhà ta cũng phải đối mặt. Sinh viên năm cuối ơi, biết tận dụng triệt để khoảng thời gian quý báu của những học kì cuối cùng, bổ sung cho mình những kiến thức và kĩ năng mới chính là những điều cần thiết, giúp bạn không bị tụt hậu khi ra trường đấy!