Page Nav

Hot

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Top Ad

//

Breaking News:

latest
Hot

Số hóa một di tích chỉ cần 1,9 tỷ đồng

Di tích được số hóa bao gồm các cổ vật như trống đồng Đông Sơn hay các loại tượng cổ; và các không gian rộng lớn vài trăm đến vài ng...


Di tích được số hóa bao gồm các cổ vật như trống đồng Đông Sơn hay các loại tượng cổ; và các không gian rộng lớn vài trăm đến vài nghìn mét vuông như thành Cổ Loa, Chùa Thầy…

Hiện tại, việc lựa chọn di tích để số hóa đang được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tiến hành.

Hội thảo về “Di sản văn hóa và giải pháp số hóa không gian di tích” diễn ra sáng 26/3 tại Hà Nội, nhằm tìm ra cách kết hợp giữa tư duy văn hóa và tư duy công nghệ trong việc bảo tồn di sản. Công nghệ 3D thể hiện là một giải pháp ưu việt trong công tác bảo tồn di tích. Những chuyên gia 3D ở Việt Nam đã đi thực tế nhiều lần ở Nhật Bản để học hỏi kỹ thuật.

Công nghệ, máy móc kỹ thuật số hóa còn phức tạp, nhưng về chi phí thì “Thực ra để số hóa một di tích quan trọng chỉ cần trên dưới 100.000 USD (khoảng 1,9 tỷ đồng). Số tiền đó một bộ ngành, một tổ chức, thậm chí một cá nhân cũng có thể chi được”, một chuyên gia 3D khẳng định.

Khó khăn là ở chỗ, ngoài các di tích hiện vẫn còn tồn tại và mở cửa cho khách tham quan, có những di tích đã biến mất, hoặc chỉ còn sót lại đôi chút, hoặc đã bị chỉnh sửa sai lệch ít nhiều.

Nhà văn hóa Nguyên Ngọc cảnh báo, có thể chúng ta sẽ số hóa phải di sản giả do công tác bảo tồn chưa tốt. Ảnh: Pham Mi Ly.

Nhà văn hóa Nguyên Ngọc cũng chia sẻ lo lắng về Tây Nguyên: “Rừng là hồn của Tây Nguyên, nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng, ở Tây Nguyên hiện nay không còn rừng nguyên sinh nữa. Vậy chúng ta bảo tồn cái gì? Đừng để bảo tồn phải những di sản giả!”.

“Các kinh đô cổ Việt Nam, trừ kinh đô Huế, hầu như đã biến mất khỏi lòng đất. Chỉ còn sót lại chút tường thành, vài cổng thành, hay một vài nền móng kiến trúc cung điện”, PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học, nhận xét. Theo ông, những kinh đô tiêu biểu tại Việt Nam là Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Huế và thành nhà Hồ.

“Với Tháp Bà của người Chăm, người Kinh đã có công giữ hơi thở cho 'tháp sống', đã biến tháp thành một thực thể mang cả hơi thở Việt Chăm, hòa đồng và đầy tính sáng tạo. Nhưng sơn phết tượng đến không còn hình thù Bà như thế thì có nên không? Tượng của người Chăm vốn không có mặt, các đường nét rất ít. Còn nữa, cả bao nhiêu nhang khói mù mịt hàng ngày thải vào không gian tháp, trong khi người Chăm tuyệt đối không đốt nhang”, nhà nghiên cứu người Chăm Irasara Phú Trạm bày tỏ.

Các sĩ tử đang ngày ngày “xóa sổ” di tích Văn Miếu. Ảnh: Hoàng Hà.

Đến Văn Miếu thời gian này, sẽ thấy đầu rùa của các bia đá phần nhiều đã mòn vẹt. Các đoàn tham quan vẫn vô tư sờ lên đầu rùa, lên các dòng tên tiến sĩ được khắc lên bia đá. Nhiều người vẫn cho rằng đó là thói quen tín ngưỡng, cầu may của học sinh, sinh viên trước kỳ thi cử, nhưng thực ra chính là hành động “xóa sổ di tích”. Văn Miếu chính là nơi đầu tiên được tiến hành số hóa, nhưng ở tình trạng hiện nay, có thể chỉ số hóa được một phần còn lại của Văn Miếu mà thôi.

Hình ảnh 3D của các không gian di tích sẽ được đưa lên mạng dưới dạng Cổng thông tin quốc gia về văn hóa. Vì thế, công chúng trong nước và quốc tế đều có thể dễ dàng tiếp cận được. Các chuyên gia kỹ thuật khẳng định tại hội thảo: “Sẽ phải chụp, phải quét thật nhiều ảnh thì hình ảnh số hóa mới có thể nét, đẹp và chi tiết như thật”. Công cuộc số hóa sẽ rất vất vả, nhưng hoàn toàn có thể hy vọng ở hiệu quả mà nó mang lại trong việc bảo tồn di tích văn hóa.

Số hóa di tích, công chúng sẽ được thấy những gì?

1. Trình diễn vật thể số hóa 3D:

Phóng to, thu nhỏ, xoay nhiều góc độ, tịnh tiến, thay đổi vị trí, hoặc cơ chế trình diễn tự động, vật thể sẽ quay quanh một trục định sẵn.

Trong suốt hội thảo, hình ảnh cổng vào Văn Miếu quay quanh một trục định sẵn, hiện rõ trước, sau, trên, dưới được chiếu đi chiếu lại trên màn hình.

2. Trình diễn không gian di tích 3D:

Từ trên cao, trong mọi ngóc ngách, hay nhảy đến vùng bất kỳ trên bản đồ.

3. Trình diễn các hiện vật được trưng bày trong không gian di tích:

Theo dạng liệt kê danh sách: tên, hình minh họa, dạng dữ liệu số hóa…

Theo dạng không gian 3D: các hiện vật sẽ xuất hiện trong không gian 3D của di tích. Với mỗi dạng hiện vật, hệ thống sẽ cung cấp cách xem thông tin phù hợp.

Pham Mi Ly