Page Nav

Hot

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Top Ad

//

Breaking News:

latest
Hot

Trở về sau gần 40 năm là liệt sĩ

Nhận ra người anh cả sau 36 năm được coi là liệt sĩ, bà Lan ôm chầm lấy, òa khóc khiến những người xung quanh không khỏi nghẹn ngào....


Nhận ra người anh cả sau 36 năm được coi là liệt sĩ, bà Lan ôm chầm lấy, òa khóc khiến những người xung quanh không khỏi nghẹn ngào.

Chiều 20/4, tại xã Nga Bạch (Nga Sơn, Thanh Hóa), một người đàn ông nhỏ thó, nước da cháy nắng, mái tóc bạc gần hết hỏi thăm nhà hai anh em ông Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Ngọc Việt. Em gái của họ là bà Nguyễn Thị Lan đang ngồi gần đó chạy ra, bất ngờ vì người đàn ông này rất giống cha mình.

Sau vài câu hỏi thăm, đặc biệt khi nghe người đàn ông đọc tên từng đứa em Cường, Việt, Bắc, Tý, Hon, bà Lan ôm chầm lấy ông và nói trong nước mắt: “Em là cái Tý, em gái của anh đây. Bố mẹ và anh Cường mất rồi”.

Chứng kiến cuộc hội ngộ bất ngờ, người dân Nga Sơn đã không kìm được nước mắt. Họ kéo đến hỏi thăm, chia sẻ niềm vui với gia đình ông Việt. Ông Vũ Văn Thọ, người cùng xã, là đồng đội cùng chiến hào với ông Hùng thuở trước, tất bật chạy đến, vừa chạy vừa khóc.

Người đàn ông với nước da cháy nắng, nước mắt nhạt nhòa  khi được gia đình, làng xóm đón nhận. Ảnh: Hoàng Thùy.
Người đàn ông với nước da cháy nắng, nước mắt nhạt nhòa khi được gia đình, làng xóm đón nhận. Ảnh: Hoàng Thùy.

Ôm lấy người đồng đội, ông Thọ nức nở: “Ngày trở về nghe tin bạn hy sinh, tôi đau buồn biết bao. Bố mẹ bạn khóc mà trách rằng 'Sao chúng mày ra đi cùng nhau mà lúc về không rủ thằng Hùng nó cùng về'”.

Siết chặt vòng tay, hai người lính già cùng nhắc lại những năm tháng ở chiến trường, nơi cái chết luôn cận kề. Năm 1965, hai ông cùng lên đường nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện ở vùng núi Lang Chánh, Bá Thước, trung đội của ông hành quân ra chiến trường. Hai ông đều thuộc đại đội 12, tiểu đoàn 6, trung đoàn 95, sư đoàn 325C, chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị, đường 9 Nam Lào.

Ông Hùng kể, năm 1969 trong một trận đánh, ông bị sức ép của bom làm tai bên trái bị điếc. Năm 1970, đơn vị của ông được lệnh chuyển về đồng bằng sông Cửu Long, đặt trụ sở ở Đồng Tháp. Trên đường hành quân đơn vị đi qua địa phận của Campuchia, gặp phải một trận càn. Ông Hùng bị thương vào đầu, được người dân Campuchia đưa về nhà che giấu. Cũng từ đó, ông bị lạc khỏi đồng đội và đơn vị.

Vài ngày sau, ông được một cô giao liên tên Trần Thị Dân sang đưa về. Là lính pháo binh quen đánh trên rừng, lại thêm viên đạn còn găm trong đầu, ông Hùng ngơ ngơ không biết mình được dẫn đi đâu. Khoảng một tuần ở cùng đơn vị giao liên, ông Hùng được chuyển sang đoàn 220 của Cục Hậu cần. Thời gian ở đây, cô Dân thường xuyên qua lại nên năm 1972 hai người nên nghĩa vợ chồng.

Năm 1976, ông Hùng được đi an dưỡng, một năm sau thì được phục viên, trở về quê vợ ở Đồng Tháp làm ăn sinh sống. Nhưng ông không biết rằng, vào ngày 20/12/1974, gia đình đã nhận được giấy báo tử của ông. Cha mẹ và các em đã khóc hết nước mắt, lập bàn thờ và hằng năm đều lấy ngày 20/12 làm ngày giỗ của ông.

Ông Hùng bên cạnh tấm bia liệt sỹ có tên mình ở tượng đài  liệt sỹ xã Nga Bạch. Ảnh: Hoàng Thùy.
Ông Hùng bên cạnh tấm bia liệt sĩ có tên mình ở tượng đài liệt sĩ xã Nga Bạch. Ảnh: Hoàng Thùy.

Cuộc sống của người lính phục viên nơi mảnh đất miền Tây không hề suôn sẻ. Ngày trở về vợ chồng ông được cho 200.000 đồng làm vốn, họ đã mua lưới giăng câu, kiếm ăn qua ngày. Nhưng Đồng Tháp là vùng nước ngập, chỉ một trận mưa dông là nhà cửa tan tác. Ông nhớ, có lần hai vợ chồng đang đi giăng câu thì gặp mưa lớn, chiếc xuồng nhỏ bị chìm, họ may mắn nắm được thân cây nên thoát chết.

Trong những ngày tháng vất vả ấy, vợ chồng ông đã có 4 người con. Nhưng dư âm chiến tranh vẫn đeo đẳng, gieo rắc thương tích lên cả con ông. Con trai duy nhất bệnh tật triền miên, đã 30 tuổi mà chưa làm được gì, có vợ thì vợ bỏ. Con gái út 27 tuổi ngẩn ngơ, hết đứng lại ngồi. Hai con gái còn lại đã có gia đình, nhưng cũng chẳng khấm khá nên hai ông bà vẫn phải cặm cụi làm thuê, cuốc mướn lấy tiền nuôi con.

Ông cho biết, nơi ông ở là ấp Cả Găng, xã Bình Phú (Tân Hồng, Đồng Tháp). Nơi đây chỉ cách biên giới Campuchia chưa đầy một km nên hứng trọn thời tiết khắc nghiệt với cái nắng, cái nóng đến cháy da, cháy thịt. Hai vợ chồng vật lộn với ba công đất, lại phải thuốc thang bệnh tật cho hai đứa con nên chỉ đủ ăn trong 3 tháng, sau đó phải đi vay, rồi lại làm, lại trả. Giấy tờ của ông mất hết, nên chế độ dành cho người có công ông không được hưởng chút gì.

Ông bảo nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm. Nhớ nhà, nhớ quê mà con đường về mịt mù xa tắp. Tiền ăn còn chạy từng bữa, con ốm còn không thuốc thang huống hồ mấy triệu để tìm đường về quê. Có lần ông định viết thư, nhưng khi nhập ngũ ông mới học xong lớp 1 trường làng. Mà nếu có nhờ người thì cũng biết viết gì đây, đời ông cơ cực lẽ nào lại kể ra cho bố mẹ, em út biết.

“Suy nghĩ nông cạn, cộng với kinh tế khó khăn, túng bấn đã khiến tôi chỉ biết nghẹn ngào trong nước mắt mỗi lúc nhớ nhà, nhớ quê. Cho đến khi nằm chiêm bao, hình ảnh bố mẹ cứ đi qua đi lại quanh chiếc chõng tre tôi nằm mà không nói gì, tôi mới cồn cào ruột gan”, ông Hùng nói.

Ông Hùng hạnh phúc bên em trai, em gái và những người hàng  xóm đến thăm. Ảnh: Hoàng Thùy.
Ông Hùng hạnh phúc bên em trai, em gái và những người hàng xóm đến thăm. Ảnh: Hoàng Thùy.

Sau hôm ấy, ông nói với vợ vay mượn tiền cho ông về quê tìm anh em. Thương chồng, người vợ đành đi vay nặng lãi 3 triệu đồng. Cầm số tiền trên tay, ông nước mắt lưng tròng rút lại 100 nghìn đưa cho đứa cháu ngoại, dặn nó học hành cho tốt, dặn vợ ở nhà lo toan nhà cửa và bước chân ra đi.

Suốt mấy chục năm sống trong vùng sông nước, người lính già như lạc lõng giữa đời thường sôi động. Đi đến đâu ông hỏi đường tới đó, ngay đến vé xe, vé tàu ông cũng phải nhờ người mua. Ngồi trên tàu lòng ông lại ngổn ngang trăm mối, lo không tìm được đường về quê, lo về rồi các em không chịu nhận mình… Suốt 2 ngày đêm trên tàu, ông chỉ dám ăn một bữa cơm vì sợ không gặp được anh em sẽ không còn tiền về với vợ con.

Xuống ga Thanh Hóa, ông nhờ người chỉ đường về Nga Sơn. Lóc cóc đi bộ từ ngoài đường lớn vào làng, ông vừa đi vừa run, vừa lo. Nhưng người lính pháo binh đánh Mỹ năm xưa đã nhận được sự chào đón của anh em, chòm xóm. Người em gái tên Bắc đang sống tận Đồng Nai, nghe tin anh cả trở về đã thu xếp quần áo ra xe về quê ngay.

“Mấy ngày nay các em không đứa nào về nhà, lúc nào cũng quấn quít bên anh, cả gia đình cùng ăn cơm cho tôi đỡ tủi. Ở lại với các em chừng một tháng, tôi sẽ về lại Đồng Tháp, trả hết nợ nần, thuyết phục vợ con về quê tôi sinh sống. Ở trong đó khổ đủ rồi”, ông Hùng nói về kế hoạch tương lai.

Ông Bùi Minh Châu, cán bộ lao động xã hội xã Nga Bạch xác nhận, giấy báo tử báo về quê là ông Nguyễn Văn Hùng đã hy sinh ngày 20/12/1974. Từ đó đến nay gia đình vẫn được hưởng chính sách như nhà nước quy định. Khi ông Hùng trở về, ông Việt là em trai, đã có đơn trình báo lên xã.

"Chúng tôi sẽ cắt chế độ mà gia đình đang được hưởng, đồng thời họp bàn tìm cách xóa tên ông Hùng đã được khắc trên bia liệt sĩ tại đài tưởng niệm của xã", ông Châu nói.

Hoàng Thùy