Page Nav

Hot

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Top Ad

//

Breaking News:

latest
Hot

Cầu Mỹ Thuận

Từ bao năm nay, người dân Nam bộ luôn mơ ước có một cây cầu bắc qua sông Tiền - một nhánh của sông Mê-kông hùng vĩ. Vì không có cầu, việc gi...



Từ bao năm nay, người dân Nam bộ luôn mơ ước có một cây cầu bắc qua sông Tiền - một nhánh của sông Mê-kông hùng vĩ. Vì không có cầu, việc giao thông trong khu vực đối với hơn 16 triệu dân cư sống ở các tỉnh phía bên kia dòng sông là một trở ngại lớn cho sự phát triển.

Là con sông lớn thứ 10 trên thế giới, sông Mê-kông dài 4.500 km, bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi ra biển Đông. Sông Tiền là một nhánh sông chính của sông Mê-kông chảy qua Việt Nam và là tuyến đường thủy quốc tế. Tại vị trí cầu Mỹ Thuận, sông Tiền có chiều rộng lòng sông hẹp khoảng 600 mét và độ sâu có chỗ lên đến 25 mét.

Khu vực ĐBSCL được nối với TPHCM thông qua Quốc lộ 1. Từ năm 1936 trở về sau này, phà Mỹ Thuận là phương tiện giao thông duy nhất qua sông.

Trong chuyến thăm chính thức và theo lời đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt vào tháng 5/1993, Chính phủ Australia đã đồng ý xem xét đề án xây dựng một chiếc cầu bắc qua sông Tiền tại Mỹ Thuận. Tháng 7/1994, một công ty tư vấn của Australia đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi, xem xét một số giải pháp kỹ thuật cho cầu và cuối cùng đã đề nghị thiết kế xây dựng một chiếc cầu dây văng có nhịp lớn.

Ngày 15/11/1995, hai Chính phủ đã ký biên bản thỏa thuận trên cơ sở Chính phủ Australia tài trợ 66% và Chính phủ Việt Nam tài trợ 34% cho công tác thiết kế và xây dựng cầu. Cơ quan thực hiện là tổ chức Phát triển quốc tế Australia (Aus AID) và Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ GTVT của Việt Nam.

Tháng 3/1996, hợp đồng thiết kế chi tiết và giám sát công trình xây dựng cầu đã được giao cho Công ty thiết kế Australia Maunsell Mcintyre Pty Ltd (MMPL). MMPL cùng phối hợp vớc các thầu phụ khác như Norconsult International, Flagstaff Internet… Consulting, ID&A và Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT để thiết kế các bộ phận khác nhau của cây cầu.

Viện nghiên cứu nguồn nước Việt Nam tại Hà Nội tham gia thực hiện nghiên cứu mô hình dòng chảy của sông để hỗ trợ cho thiết kế kè bảo vệ bờ sông. Tại Đại học Monash của Australia, các mô hình trong phòng thí nghiệm được hình thành để ước tính độ sâu xói lở tại vị trí móng tháp, đồng thời mặt cầu được kiểm tra trong đường hầm gió để xác định độ bền động lực của cầu. Bản thiết kế chi tiết của cấu trúc cầu dẫn được chuyển cho Công ty tư vấn thiết kế TEDI ở Hà Nội dưới sự giám sát của chuyên viên cầu đường MMPL và sự phối hợp bàn bạc thường xuyên với Chính phủ hai nước Việt Nam - Australia.

Tháng 11/1996, các nhà thầu được gọi bỏ thầu xây dựng chiếc cầu và đến tháng 6/1997, hợp đồng đã được giao cho Công ty Baulderstone Hornibrook Engineering Pty Ltd (BHE).

Vào ngày 6/7/1997, đồng chí Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng (nguyên Thủ tướng) và Ngài Alexander Downer - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia - đã đến tham dự lễ khởi công để đánh dấu việc bắt đầu xây dựng cầu nhằm góp phần cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân ĐBSCL. Công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận trị giá 90 triệu đô-la Úc có thể được so sánh với những công trình xây dựng tốt nhất thế giới.

Cầu Mỹ Thuận
Mỹ Thuận là một địa danh. Bờ Bắc thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; bờ Nam thuộc xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long. Cầu Mỹ Thuận là sự thể hiện cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại của Việt Nam, đồng thời là chuẩn mực mới cho việc thiết kế cầu, sáng tạo và hiệu quả ở Đông Nam Á.

Hình dáng cầu được đặc biệt chú ý và được thể hiện rất cân xứng so tổng thể cầu - những trụ tháp cong rất duyên dáng vươn lên trên những bệ trụ lớn. Sự hài hòa tại nơi tiếp nối giữa phần cầu chính và phần cầu dẫn mà không thể hiện sự khác biệt giữa hai kết cấu khác nhau, sử dụng dầm Super Tee cho cầu dẫn, dùng dây văng màu thay cho dây văng đen bình thường. Hệ thống chiếu sáng ban đêm cho mặt dây văng từ trên bệ trụ tháp tạo cảnh quan rất đẹp xung quanh cầu.

Cầu được thiết kế theo liên kết từng bộ phận riêng biệt mà vẫn hoàn chỉnh theo một khối vững chãi.

Móng trụ : gồm những cọc khoan nhồi đường kính 2,5 mét, mũi cọc đặt trên tầng cát chặt ở độ sâu 100 mét dưới mực nước sông, móng của mỗi tháp có 16 cọc khoan nhồi để chịu lực va của tàu.

Bệ trụ : có độ dày 4 mét, được đúc trên bờ, sử dụng các tấm bê-tông đúc sẵn ở mặt đáy và mặt bên để làm ván khuôn đổ bê-tông cho phần trụ chính.

Trụ tháp : có hình chữ H mở rộng chân. Tháp cao 120 mét, từ mặt trên bệ trụ đến đỉnh tháp có cấu tạo hình hộp rỗng. Tại mặt trên bệ trụ chân tháp có chiều dài 6 mét, rộng 2,5 mét.

Mặt cầu chính : Có cấu tạo bằng bê-tông cốt thép được treo bởi hệ thống cáp ở hai bên với các sợi cáp được neo cách nhau 10,4 mét theo phương dọc cầu, mặt cầu rộng 24 mét.

Cáp treo : chịu lực cho mỗi phân đoạn mặt cầu được sử dụng công nghệ mới nhất của Freyssinet có bố trí hệ thống giảm chấn, vỏ bọc nhựa màu có hình xoắc ốc. Mỗi cáp treo bao gồm 22 - 67 sợi cáp đơn được mạ kẽm, có đường kính 15,7 mm mỗi sợi. Cầu được thiết kế có thể thay cáp dễ dàng ngay cả trong trường hợp có lưu thông bình thường trên cầu.

Trụ neo : có chức năng chịu lực rất quan trọng khi tải trọng bất lợi.

Cầu dẫn : có chiều dài 442,6 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 40 mét. Nhịp sát trụ neo dài 43,8 mét và nhịp sát mố cầu dài 38,8 mét.

Nền đường đắp : có chiều cao tối đa là 6 mét, được xử lý đặc biệt bằng công nghệ chống thấm do nền đường yếu.

Cầu Mỹ Thuận với tổng chiều dài 1.535 mét, tổng khối bê-tông 55.000 mét khối, tổng khối lượng thép 10.000 tấn, tổng số cáp treo 128 sợi, tương đương với 750 tấn. Độ cao thông thuyền đến nhịp chính là 37,5 mét.

Ngày 21/5/2000, cầu Mỹ Thuận - một địa danh quan trọng trong khu vực và là niềm mơ ước của người dân - đã trở thành hiện thực. Đây là chiếc cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam và là công trình của sự kết hợp giữa nét kiến trúc và kỹ thuật tiên tiến nhất. Quan trọng hơn, cầu Mỹ Thuận là một sản phẩm của tình hữu nghị hợp tác giữa nhân dân và Chính phủ hai nước Việt Nam - Australia. Việc xây dựng thành công cầu Mỹ Thuận là một biểu tượng đầy ý nghĩa, là một bằng chứng của tình hữu nghị bền vững trong sự phát triển của đất nước trong thế kỷ XXI.

(Theo tài liệu của MMPL - Australia)

Theo sách Di tích Lịch sử - Văn hóa tỉnh Vĩnh Long