Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện một loại virus cúm gia cầm H5N1 đã biến đổi trong các con lợn tại Indonesia và có khả năng lây từ...
Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện một loại virus cúm gia cầm H5N1 đã biến đổi trong các con lợn tại Indonesia và có khả năng lây từ lợn sang người một cách dễ dàng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà virus học Yoshihiro Kawaoka của Viện Y học thuộc trường Đại học Tokyo, lo ngại loại virus có khả năng lây nhiễm từ lợn sang người có thể sẽ lây nhiễm trên diện rộng mà không bị phát hiện. Trong báo cáo khoa học mới đây, nhóm nghiên cứu do ông Kawaoka đứng đầu khẳng định: “Các số liệu của chúng tôi cho thấy các chú lợn có nguy cơ nhiễm bệnh trong các đợt bùng phát của dịch cúm A/H5N1 và có thể đóng vai trò như vật trung gian để virus cúm mới được phát hiện này có thể thích nghi với các động vật có vú”.
Các nhà khoa học nhấn mạnh cần phải kiểm tra các chú lợn xem chúng có bị nhiễm loại virus trên hay không, cho dù các chú lợn này không cho thấy bất cứ triệu chứng nào.
Ông Kawaoka và các nhà khoa học Nhật Bản đang hợp tác với trường Đại học Airlangga của Indonesia để kiểm tra các mẫu bệnh phẩm từ mũi, phân và huyết thanh của 702 con lợn được lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ 14 tỉnh ở Indonesia trong giai đoạn 2005-2009. Trong số các con lợn đã được kiểm tra trong giai đoạn 2005-2007, có 7,4% bị nhiễm các loại virus cúm gia cầm. Trong số 37 mẫu virus đã được phân tích, các nhà khoa học phát hiện có một mẫu virus có khả năng tự động xâm nhập vào các tế bào mũi hoặc họng của con người. Kết quả kiểm tra trong giai đoạn 2008-2009 cho thấy các chú lợn có dấu hiệu đã từng bị nhiễm virus trong quá khứ nhưng không có loại virus nào bị cô lập.
Theo các nhà khoa học, cúm gia cầm thông thường không lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, do lợn dễ mắc cả cúm gia cầm lẫn cúm ở người nên người ta tin rằng chủng virus mới phát hiện này đã biến đổi ở một chú lợn bị nhiễm bệnh.