Page Nav

Hot

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Top Ad

//

Breaking News:

latest
Hot

Thực tập

T...



Thực tập
Tôi muốn giúp đỡ em một điều gì đó trong những ngày sau này.


- Bước từng bước ngập ngừng, tôi vào lớp. Thoáng im lặng... Bỗng đây đó có tiếng xì xầm: “Thầy trẻ quá”. “Chắc thầy chưa”.

Có lẽ là những giọng nữ. Tôi chẳng biết nữa. Tôi vẫy tay ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống.

- Bây giờ ta làm quen nhau vài phút các em nhé - Tôi định nói “các bạn nhé” theo thói quen ở trường nhưng may mà kịp “đổi tông” - Thầy được phân công làm chủ nhiệm lớp 11A5 các em...

- Thầy cho lớp em thông tin về thầy đi thầy...

- Rồi thầy sẽ cung cấp cho. Cứ từ từ... Thầy tên là Giao, Nguyễn Quỳnh Giao. Cái tên nghe yếu đuối lắm phải không? Ừ, cái tên nghe yếu đuối như một loài hoa. Và con người có như vậy không thì dần dần các em sẽ hiểu. Còn quê. Nghe giọng nói của thầy chắc các em đã biết. Khi nào rảnh rỗi mời các em đến nhà thầy chơi. Thầy sẽ đãi các em đặc sản quê nhà - Tôi cười, các em cũng cười rộ - Phần thầy như vậy là tạm đủ. Còn điều gì nữa thầy sẽ cung cấp thêm trong hai tháng tới. Bây giờ đến lượt các em.

Cả lớp im lặng. Tôi nhìn về phía cuối lớp. Linh tính và kinh nghiệm mách bảo tôi phải nhìn về phía ấy. Bởi phía cuối lớp bao giờ cũng là “bộ não” của lớp. Nơi đây “cán bộ cao cấp” của lớp ngồi. Bất giác tôi bắt gặp một ánh mắt và một nụ cười hiền. Phút chốc ánh mắt ấy lảng về phía khác. Chỉ còn nụ cười là không đổi.

Cả lớp im lặng. Không gian trở nên nặng nề.

Mọi cặp mắt đổ dồn về phía cuối lớp, nơi có nụ cười hiền ấy, như kêu cứu.

- Em nào là lớp trưởng?

- Thu... Đứng dậy đi... - Một số giọng học sinh yêu cầu.

“Nụ cười hiền” đứng dậy. Em cười nhưng không nhìn thầy.

- Em là Hoài Thu, Trịnh Hoài Thu, lớp trưởng của lớp 11 âm.

- Mười một A năm chứ? - Tôi nói.

- Dạ, mười một A năm nhưng hầu hết là con gái, “âm thịnh dương suy” nên mọi người gọi là mười một âm - Lớp trưởng giải thích.

Tôi cười thầm. Bởi trước khi “khăn gói” lên đường tôi nguyện sao cho đừng gặp phải một lớp “quậy”. Thế là ước nguyện đã không linh ứng.

- Em giới thiệu tiếp đi - Tôi yêu cầu.

- Dạ, hết rồi thầy ạ.

- Hết rồi sao? Lớp thì “mười một âm” còn lớp trưởng? - Tôi hài hước.

- Dạ, em được các bạn đặt cho cái tên là “khúc xạ” - Vừa nói Thu vừa cười.

- Ngộ nghe!

- Chuyện dài “tây du ký” đó thầy ơi - Một giọng nữ tinh nghịch.

- Dài thì để khi khác vậy - Tôi nói lảng nhưng trong lòng đầy thắc mắc.

Tối. Về phòng tập thể. Đây là đêm thứ hai tôi sống trong môi trường mới. Đầy lo âu nhưng cũng lắm niềm vui. Cuộc sống và nghề nghiệp mới đang dần hình thành trong tôi. Dù tất cả đều mới lạ nhưng không đến nỗi buồn như tôi hình dung trước chuyến đi.

Thực tập, 8X + 9X, Bạn trẻ - Cuộc sống, Thầy giáo, trẻ, lớp học, yêu thầm, thực tập

Lúc nào cũng có các em, cũng có tiếng nói tiếng cười đầy ắp của học trò.

Từng ngày trôi qua, tôi cảm thấy như nó ngắn lại. Lúc nào cũng có các em, cũng có tiếng nói tiếng cười đầy ắp của học trò. Chúng ríu rít như đàn chim non khiến tôi sống chan hòa, sôi nổi hơn trước.

Tôi vô tư vì chưa có “nửa mối tình vắt vai” như các em thường trêu chọc. Có lẽ không vướng vào “việc ấy” khiến tâm hồn tôi hòa vào cuộc sống nơi ở mới rất nhanh, không “dùng dằng” bởi những thư từ từ “hậu phương” như những “cậu nghè” cùng chuyến. Nhưng khổ nỗi lại hay “dị ứng” khi đứng trước tập thể “11 âm” bởi không có đồng minh. Nói không có thì không đúng, vì lớp cũng có vài đấng mày râu. Bù lại các em nữ thường hay kể cho tôi nghe nhiều chuyện về gia đình, quê hương... làm tôi và các em có ít khoảng cách hơn. Tôi bắt đầu mến cảnh mến người. Và có cớ để yêu nghề hơn.

“Khúc xạ”! Khúc xạ là sao nhỉ? Tôi huy động mớ kiến thức vật lý còn sót lại trong đầu để giải thích. Tôi hiểu nguyên nghĩa vật lý của nó. Nhưng đây là một cái tên thì ít nhiều cũng sẽ không còn nguyên nghĩa vật lý ấy. Tôi vắt óc nặn ra vô vàn lý lẽ. Chỉ có ánh sáng mới khúc xạ. Tâm hồn và các thứ khác có khúc xạ không nhỉ?

Có lẽ từ đôi mắt. Đôi mắt có liên quan đến ánh sáng! Tôi mơ hồ hiểu. Ồ, mà chuyện của học trò, nhất là chuyện của học trò nữ thầy quan tâm làm gì nhỉ? Tôi tự trách mình là vô duyên, vô duyên nhất trong những thằng con trai vô duyên.

Và rồi chuyện hợp - tan, gặp gỡ - chia ly là chuyện muôn đời. Nó đã trở thành quy luật nghiệt ngã buộc mọi người phải chấp nhận.

Buổi chia tay. Hòa trong tiếng hát, giọng kể chuyện trầm đều của các em có lẫn những giọt nước mắt bịn rịn, luyến lưu. Giây phút ấy tôi biết mình không thể bình yên được nữa bởi trong lòng luôn cuộn sóng nhớ thương. Chia tay các em tôi phải chia tay những gì thân thuộc và yêu quý nhất.

Tạm biệt các em tôi chẳng nói được gì nhiều ngoài những lời hứa hẹn sẽ về thăm và trao đổi thư từ. Lớp “11 âm” vẫn lặng thầm. Trước khi chia xa ai mà không vậy!

Sáng. Tôi dậy thật sớm. Chuẩn bị đồ đạc để về trường sư phạm. Đang buồn rười rượi thì Hoài Thu đến.

- Em chào... thầy.

- Chào em.

Tiếp đó tôi buông một câu vô tình:

- Em đến sớm có chuyện gì?

Im lặng... Rồi tự dưng em buột miệng:

- Thầy biết tại sao là Hoài Thu “khúc xạ” không thầy?

- Chịu... - Tôi lắc đầu.

- Chuyện dài lắm nhưng hôm nay Hoài Thu sẽ kể cho thầy nghe - Giọng em nhẹ nhàng - Cái tên Hoài Thu nghe như một kỷ niệm phải không thầy? Đó là kết quả của một mối tình đẹp nhưng buồn giữa một cô thôn nữ và một thầy giáo trẻ đến từ thành phố. Sau giây phút gặp nhau tình cờ, họ đã có những ngày tháng yêu nhau thật đằm thắm. Nhưng rồi người thầy trẻ ấy ra đi để lại một chồi non đang nhú mà sau này người con gái ấy đặt tên là Hoài Thu. Cô thôn nữ là mẹ em ngày ấy đã đợi không biết bao nhiêu mùa thu mà người ấy vẫn xa lắc xa lơ. Bây giờ thầy đã biết Hoài Thu là như vậy. Còn “khúc xạ”. Em giống mẹ. Có đôi mắt đa cảm, luôn giấu cái nhìn vào lòng mình. Đôi mắt ấy thường “lệch hướng” khi bắt gặp cái nhìn của mọi người, như tia sáng gặp môi trường khác nên khúc xạ vậy. Những người như vậy cuộc đời thường gặp chuyện buồn hơn chuyện vui phải không thầy? Em nghe người ta nói thế. Mà chắc là thế. Mẹ em là một ví dụ.

Kể đến đây tôi thấy Hoài Thu buồn buồn. Tôi cầm tay em thật lâu, muốn nói điều gì đó nhưng không thành lời.

Tôi vẫy tay chào em như hẹn một ngày gần nhất tôi sẽ về với tư cách là một giáo viên thực thụ của trường. Tôi muốn giúp đỡ em một điều gì đó trong những ngày sau này.